Hang núi lửa T1 (hay là hang PT07-1) có tên địa phương là Hang Dơi, nằm tại xã Buôn Choa'h, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Hang T1 nằm cách núi lửa Chư B'Luk khoảng 1.830m về phía Đông Nam, chiều dài 303,1m. Hang T1 là sản phẩm hoạt động phun trào của núi lửa Chư B'Luk xảy ra cách ngày nay khoảng 700.000 - 200.000 năm.
Hang phát triển và kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Bể mặt địa hình khu vực có hang T1 ít có sự phân dị và tương đối thoải, cấu tạo bởi đá basalt bọt/ lỗ rỗng, bị nứt nẻ nhiều tạo thành các cuội tảng khá tròn cạnh lổn nhổn, gồ ghề, đi lại khó khăn và dễ trơn trượt. Một số nơi trên bề mặt địa hình lộ các cấu trúc kiểu “ụ nổi” mà phía dưới thường là vòm của các hang động ngầm. Trên bề mặt địa hình trơ trụi thường dễ phát hiện được các miệng hang chính là những hố sập trần/ hố sụt có địa hình thấp, ẩm ướt nên thực vật khá phát triển. Thảm thực vật cũng là dấu vết để phát hiện cửa hang vì cửa hang thường là những hố sụt thấp có lùm cây xanh. Cả cửa phía Đông và cửa phía Tây của hàng đều là cửa thứ sinh, hình thành do quá trình sập trần hang.
Cấu trúc hang T1 rất phức tạp, phản ánh tính chất phức tạp trong cơ chế hình thành nên hang này. Cấu trúc tổ ong trên lớp lót ngoài cùng ở cửa hang T1, basalt cầu gối là những di sản địa chất rất độc đáo, lần đầu tiên được phát hiện trong các hang động dung nham ở khu vực Đông Nam Á cũng như trên thế giới. Do vậy hang T1 được đánh giá là có giá trị cao về khoa học Trái Đất nói chung, về di sản liên quan đến hoạt động thành tạo hang động núi lửa nói riêng, trong đó giá trị độc đáo nhất của hang T1 là cơ chế hình thành basalt cầu gối trong điều kiện hang động ngập nước. Những đặc điểm vừa nêu đã tạo nên giá trị độc đáo duy nhất của hang A1 so các hang của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông và có thể là cả Đông Nam Á.
Loại hình
- Du lịch sinh thái
- Du lịch văn hóa
- lịch sử
- Du lịch tham quan
- khám phá
Viết đánh giá