Đắk Song là 1 trong 6 huyện, thành phố nằm trong vùng Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông. Huyện hiện có 3 điểm di sản thuộc tuyến du lịch “Bản giao hưởng của sự đổi thay” gồm: Di tích lịch sử Đường Trường Sơn và Điểm khai thông liên lạc đường Bắc Nam; Trang trại nông nghiệp Organic Thu Thủy; Mỏ đá Saphia Trường Xuân.
Theo UBND huyện Đắk Song, trên tinh thần Chỉ thị số 23-CT/TU của Tỉnh ủy và Chương trình hành động số 2222 của UBND tỉnh về "Xây dựng và phát triển CVĐCTC UNESCO Đắk Nông năm 2021", huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan chuyên môn đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc chung sức xây dựng, phát triển, vận hành hiệu quả các giá trị di sản của CVĐCTC.
Trên Trang thông tin điện tử, hệ thống truyền thông của huyện, những thông tin liên quan về hoạt động du lịch, tầm quan trọng, ý nghĩa của việc xây dựng du lịch cộng đồng đều được đăng tải thường xuyên. Hệ thống truyền thanh cơ sở tại các thôn, bon được khai thác để đẩy mạnh tuyên truyền về CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Các cơ quan chuyên môn của huyện rà soát, nghiên cứu, lên phương án khảo sát các địa điểm thích hợp có cảnh quan thiên nhiên đẹp, vùng kinh tế nổi bật để có cơ sở quy hoạch xây dựng, đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch. Lực lượng đoàn viên, thanh niên thường xuyên tổ chức các hoạt động vệ sinh môi trường tại các điểm di sản. Huyện cũng đang xúc tiến kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng tại các điểm du lịch, khu di tích và các vùng có tiềm năng khai thác du lịch…
UBND huyện Đắk Song đã phối hợp với Ban Quản lý CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tiến hành khảo sát và thống nhất chọn địa điểm đề xuất chủ trương đầu tư các dự án như Trung tâm thông tin CVĐCTC UNESCO Đắk Nông tại ngã 4 cầu 20 thuộc thôn 10, xã Nâm N’Jang. Đắk Song là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng bởi sự đa dạng về dân tộc, văn hóa truyền thống. Các đội cồng chiêng truyền thống ở các bon đồng bào dân tộc thiểu số được duy trì, phát huy.
Thế nhưng, do nhiều nguyên nhân, huyện chưa xây dựng được một mô hình du lịch cộng đồng nào. Trong khi đó, nguồn nhân lực phục vụ du lịch của huyện còn hạn chế về số lượng lẫn chất lượng, chưa có kỹ năng cũng như trình độ về tin học, ngoại ngữ nên không thể đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Theo ông Nguyễn Văn Phò, Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, hiện nay, việc quản lý và xây dựng cơ sở vật chất tại các điểm di sản trên địa bàn huyện đã được địa phương tích cực thực hiện. Tuy nhiên, do kinh phí đầu tư hạ tầng tại các điểm khai thác du lịch trong khu vực CVĐCTC UNESCO Đắk Nông và mô hình du lịch cộng đồng còn thấp, các sản phẩm du lịch còn quá nhỏ lẻ, nên việc kêu gọi đầu tư chưa đạt hiệu quả cao.
Do đó, để vận hành có hiệu quả các điểm di sản địa chất trên địa bàn huyện Đắk Song nói riêng và toàn tỉnh nói chung, huyện rất cần có sự liên kết, thống nhất theo chuỗi hệ thống CVĐCTC trên toàn tỉnh. Do đó, địa phương rất mong Ban Quản lý CVĐCTC UNESO Đắk Nông chủ trì, xây dựng phương án vận hành chung của Trung tâm thông tin CVĐCTC UNESCO Đắk Nông.
Huyện cần được hỗ trợ thêm kinh phí để đầu tư xây dựng hạ tầng tại Điểm khai thông liên lạc đường Bắc Nam và kêu gọi các nhà đầu tư vào khu vực sinh thái thác Lưu Ly theo đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt./.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *