Người Mạ sống quần cư thành từng bon, nhà ở truyền thống là những căn nhà sàn cách mặt đất từ 0,5 đến 1m, mái khum và chỉ có một cửa để vào nhà. Căn nhà kiểu này có tác dụng tránh cái lạnh của núi rừng. Mỗi căn nhà thường có trên 10 người sinh sống gồm nhiều thế hệ. Xung quanh nhà, bà con thường dựng nhiều kho lúa trên sàn cao, các cột nhà kho trang trí theo mô típ chày cối.
Dân tộc Mạ có nền văn hóa dân gian rất phong phú gồm nhiều truyền thuyết, truyện cổ và những bài dân ca trữ tình, gọi là tâm pớt. Nhạc cụ truyền thống là dàn chiêng đồng 6 chiếc, không núm. Khi hòa tấu chiêng có trống bịt da trâu đánh giáo đầu, giữ nhịp. Ngoài ra còn có nhiều loại nhạc cụ thuộc nhóm hơi như khèn bầu, sáo trúc, tù và bằng sừng trâu.Trong tang lễ, người Mạ còn có nhạc cụ làm từ ống nứa gắn thành dàn và đánh các bài làn điệu tang ma.
Người Mạ sống tập trung, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau để vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn trong cuộc sống và sinh hoạt. Đối với bà con trong bon, mọi việc riêng chung như ma chay, cưới hỏi, dựng nhà, dời nhà… đều cùng nhau chia sẻ và góp công, góp của để lo toan. Bản chất của người Mạ rất thật thà, chất phác, giàu tình cảm và rất hiếu khách. Nét đặc trưng của người Mạ trong việc cưới hỏi là quyền chủ động thuộc về nhà trai; nhưng sau lễ cưới nếu nhà trai nộp đủ sính lễ thì đôi vợ chồng chỉ ở lại nhà gái đủ 7 ngày, còn nếu không, chàng trai phải đến nhà gái ở rể cho đến khi nộp đủ sính lễ mới được đưa vợ về nhà mình.
Loại hình
- Du lịch văn hóa
- lịch sử
- Du lịch tham quan
- khám phá
Viết đánh giá