Không chỉ có giá trị về lịch sử kiến tạo và cảnh quan, Đắk Nông có bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng và độc đáo.
Nổi bật là không gian văn hóa cồng chiêng; sử thi Ot N’drong; hệ thống lễ hội dân gian; dệt thổ cẩm; đàn Tính hát Then… Hiện nay, trong Nhân dân còn bảo tồn, lưu giữ nhiều vốn văn hóa truyền thống mang đặc trưng riêng của mỗi dân tộc, vùng miền. Qua đó, đóng góp to lớn vào kho tàng văn hóa dân tộc Đắk Nông nói riêng và Việt Nam nói chung.
Trăn trở về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số (DTTS) trước nguy cơ mai một bản sắc, các nghệ nhân DTTS gửi gắm tâm tư, nguyện vọng về các giải pháp, cơ chế chính sách phù hợp để bảo tồn văn hóa truyền thống trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Nghệ nhân ưu tú H’Nir
Nghệ Nhân H’Nir (SN 1956) là người truyền lửa văn hóa truyền thống dân tộc Mạ ở xã Quảng Khê (Đắk Glong). Bà am hiểu và nhiệt tình giữ nghề dệt thổ cẩm như vái, áo, túi, khăn, khố và biết nhiều bài múa, hát dân ca… của người Mạ. Bà mong muốn các cấp chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện tốt hơn nữa và thường xuyên mở nhiều lớp nghề dệt thổ cẩm để nhiều người biết dệt thổ cẩm truyền thống.
Nghệ nhân H’Nir (bên trái) hướng dẫn học viên dân tộc Mông cách dệt thổ cẩm của người Mạ tại làng Du lịch văn hóa thôn 3, xã Đắk Som (Đắk Gong)
Tỉnh, các ngành chức năng cần hỗ trợ giới thiệu sản phẩm dệt thổ cẩm tại các Làng văn hóa du lịch cộng đồng nằm trên tuyến Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông để du khách khi đến Đắk Nông tham quan có thể dễ dàng mua làm kỷ niệm… Đó là cách để khuyến khích thế hệ trẻ học, giữ gìn, phát huy nghề thổ cẩm truyền thống; đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.
Nghệ nhân H’Nir chia sẻ về quá trình truyền dạy nghề dệt thổ cẩm với phóng viên Báo Đắk Nông
Nghệ nhân Nhân dân H’Jang
Bà H’Jang (SN 1942) ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) là nghệ nhân Nhân dân được Nhà nước công nhận và phong tặng danh hiệu năm 2019 vì “Đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc”.
Tuổi đã cao nhưng ngày ngày bà vẫn miệt mài bên khung cửi để dệt nên những tấm vải màu sắc sặc sỡ của dân tộc M’nông. Sau khi dệt thành những tấm vải, bà lại thiết kế, ngồi bên bàn máy khâu may lên các sản phẩm váy, áo, túi, khăn… theo ý muốn.
Nghệ nhân Nhân dân H’Jang (bên trái) hướng dẫn thế hệ trẻ cách tạo hoa văn, dệt thổ cẩm truyền thống
Theo nghệ nhân Nhân dân H’Jang, chính quyền các cấp cần thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa, văn nghệ; tổ chức tái hiện lại các lễ, hội truyền thống. Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích các tầng lớp Nhân dân, cán bộ, công nhân, viên chức nên mặc thường xuyên trang phục truyền thống dân tộc mình mỗi dịp lễ, hội, tết… để thể hiện sự đa dạng màu sắc 54 dân tộc Việt Nam.
Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hưu
Nghệ nhân ưu tú Nông Văn Hưu, xã Nam Dong (Cư Jút) hiện đang lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu hát Then đàn Tính của dân tộc Tày. Ông trực tiếp sáng tác nhiều điệu Then và nghiên cứu, dịch sang tiếng Việt được hơn 150 bài. Nhiều bài Then hay, ý nghĩa do ông sáng tác như: Khúc tâm tình Đắk Nông, Pắc Pó mùa thu (ca ngợi Bác Hồ), Lời Then dâng Bác, Lời chào xứ Lạng, Đắk Nông kính chào quý khách…; đã được Câu lạc bộ hát Then xã Nam Dong dàn dựng và biểu diễn đã nhận được nhiều giải thưởng cao trong các liên hoan đàn Tính, hát Then của tỉnh, khu vực và toàn quốc.
Ông Nông Văn Hưu không chỉ sáng tác lời Then mà còn biết chế tác đàn Tính
Theo nghệ nhân Nông Văn Hưu, thực tế nhiều nét đặc trưng, giá trị của các loại hình văn hóa phi vật thể đang dần mai một. Nguyên nhân sâu xa chính là trong cộng đồng chưa hiểu được sự cần thiết phải bảo tồn và phát huy. Đặc biệt, các cấp cơ sở vẫn chưa quan tâm đúng mức việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Thời gian tới, các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước phải quan tâm, tạo điều kiện cho những nghệ nhân “chưa chính danh” tham dự các hội thi, liên hoan để bổ sung vào bản thành tích nhằm hoàn thiện hồ sơ phong tặng hoặc có sự linh hoạt trong tiêu chí phong tặng đối với các nghệ nhân lớn tuổi. Càng có nhiều nghệ nhân thì công tác bảo tồn, lưu giữ và truyền dạy văn hóa cũng như nghề truyền thống càng được thực hiện tốt.
Nghệ nhân ưu tú Y Sim Ê ban
Với đội ngũ người có uy tín ở Đắk Nông không thể không nhắc tới nghệ nhân ưu tú Y Sim Ê Ban (sinh năm 1959), dân tộc Ê đê, buôn Nui, xã Tâm Thắng (Cư Jút). Không những biết đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, ông Y Sim còn sử dụng thuần thục và chế tác nhiều loại nhạc cụ của đồng bào Ê đê như đàn gung, đàn bruốt, đinh năm, đinh tuốt, tù và, trống...
Những giai điệu gần gũi, thân thương, gắn với cuộc sống hằng ngày của người dân nơi đây được ông giữ gìn và truyền tải đến mọi người. Cũng chính điều đó làm ông ngày càng gắn bó mật thiết hơn với niềm đam mê nhạc cụ của dân tộc cho dù cuộc sống thường nhật thay đổi, làm giảm đi nhiều những điều kiện để phát huy hết niềm đam mê, yêu thích ấy.
Nghệ nhân ưu tú Y Sim Ê ban sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ của đồng bào Ê đê
Điều mà ông Y Sim Ê Ban vẫn trăn trở là những năm gần đây, bà con ở các buôn làng vì thấy cái lợi trước mắt đã bán chiêng, cổ vật, những vật dụng có giá trị trong nhà. Số chiêng lớn, chiêng nhỏ các buôn chỉ còn sót lại vài cái riêng lẻ nên mỗi khi biểu diễn gặp nhiều khó khăn vì chiêng phải đủ bộ mới đánh được, thiếu một chiếc không thành bộ chiêng. Bên cạnh đó, thế hệ trẻ không còn mặn mà trong việc bảo tồn, giữ gìn văn hóa truyền thống.
Thời gian tới, ông mong muốn ngành Văn hóa, địa phương tiếp tục quan tâm hỗ trợ hơn nữa về vật chất, tinh thần, mở các lớp dạy cồng chiêng, đan lát, chế tác nhạc cụ để các lớp con cháu tiếp tục phát huy, trân giữ giá trị tốt đẹp của dân tộc Ê đê. Qua đó, góp phần giữ gìn, làm phong phú hơn kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
#A Trư-Y Krăk - baodaknong.vn
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *