Cây đa di sản Việt Nam" tại xã biên giới Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) níu chân du khách mỗi khi có dịp đi về nơi cao nguyên của Tổ quốc.
Nằm trên tuyến đường tỉnh lộ 741 (ĐT741) cách trung tâm xã Quảng Trực (huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) khoảng 18km, giáp Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) có cây đa di sản thân thẳng tắp, cáo vút lên trời, được công nhận là Cây di sản Việt Nam vào tháng 5/2022. |
Cây đa cổ thụ thuộc khoảnh 4 tiểu khu 1465, xã Quảng Trực, thuộc địa phận quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Cây có chiều cao trên 30m, chu vi gốc thân chính trên 10m, trở thành biểu tượng đẹp của tự nhiên và lịch sử văn hóa của vùng đất này. |
Nằm bên cung đường ngoằn ngoèo, uốn lượn tuyệt đẹp nối liền Vườn quốc gia Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) và quần thể cổ thụ rừng Nam Tây Nguyên, cây đa di sản trở thành điểm dừng chân của nhiều người khi có cơ hội đi ngang nơi đây. |
Ông Nguyễn Ngọc Bình - Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên chia sẻ: Cây di sản mang nhiều ý nghĩa, trước hết là về thời gian khi trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử. Thứ hai là về khoa học khi có thể phục vụ nghiên cứu, bảo tồn phát triển nguồn gen. Thứ ba là tính di sản, nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. |
"Dù chỉ là một trong quần thể cây di sản hàng trăm tuổi, nhưng với vị trí gần đường, công ty đã lựa chọn cây đa này để làm điểm nhấn cho người dân, du khách khi đi đến nơi đây", ông Nguyễn Ngọc Bình cho hay. |
Tại Việt Nam, cây đa mang biểu tượng của sự trường tồn, sức sống dẻo dai; đồng thời còn là biểu tượng thần quyền và tâm linh của con người; thường có mặt ở nhiều nơi khác nhau như đình chùa, cổng làng, dưới gốc đa được dựng miếu thờ. Riêng tại Tây Nguyên, cây đa thường xuất hiện ở đầu ghềnh thác, bìa rừng, bìa rẫy hay nằm kề bên bến nước của buôn làng. Người M’nông nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thường ví người già giống như “cây đa bến nước, cây sung đầu làng”. Nhiều cây cổ thụ kết thành rừng, bà con gìn giữ như khu rừng thiêng. Đặc biệt, nơi nào có cây đa cổ thụ thì đồng bào xem là chốn linh thiêng, có thần linh ngự trị, chi phối cuộc sống của dân làng. |
Đồng bào M’nông quan niệm tại đầu suối, đầu thác là có Thần, không được chặt cây, làm rẫy, làm nhà tại nơi này vì sợ khi phát rẫy sẽ xâm phạm ngôi nhà của Thần. Trong khu rừng được gia đình chọn để phát rẫy, nếu có cây đa (người M’nông gọi là jri) thì chỉ được chặt tỉa cành, không được chặt gốc vì cây đa có Thần. Chặt cây đa là phá hoại ngôi nhà của Thần, Thần cây đa sẽ xảy ra chuyện xui xẻo và cần làm lễ xin lỗi Thần cây đa. Ngoài ra, cây đa cũng là nơi được người M’nông chọn để tiến hành các nghi lễ của cộng đồng như Lễ giao kết hòa giải (Tâm m’baih prêng). |
Với ý nghĩa đặc biệt linh thiêng như vậy, Công ty Nam Tây Nguyên đã ra sức bảo vệ cây đa nghiêm ngặt nên thời gian qua, cây đa di sản có tuổi đời hơn 300 năm vẫn tồn tại gần như nguyên vẹn. |
Ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên mong muốn cây đa di sản Việt Nam sẽ góp phần nâng cao nhận thức của người dân về đa dạng sinh học cũng như giá trị lịch sử. Đây cũng là cơ sở để công ty nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng. |
Tại Lễ đón bằng công nhận cây di sản Việt Nam vào ngày 14/6/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Lê Trọng Yên đề nghị Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên sớm hoàn thiện công tác bổ sung diện tích rừng trong lâm phần công ty quản lý đưa vào quy hoạch du lịch sinh thái của tỉnh. Đưa ra những định hướng phát triển cây di sản nhằm phục vụ du lịch sinh thái; kêu gọi các nhà đầu tư phát triển kinh tế du lịch sinh thái để nơi đây trở thành một điểm đến đầy thú vị và hấp dẫn. |
Cây đa di sản không đơn thuần là cá thể thực vật mà còn phục vụ cho nghiên cứu khoa học của ngành chức năng và trở thành một địa điểm văn hóa tinh thần của người dân. |
Cùng với đó, cây đa di sản còn hứa hẹn mở ra hướng phát triển du lịch rừng đầy hấp dẫn cho vùng biên giới cho tỉnh Đắk Nông. |
Hiện Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đang quản lý 27 ngàn ha, trong đó diện tích có rừng trên 23 ngàn ha là loại rừng thường xanh nhiệt đới được quy hoạch rừng sản xuất nằm trong khu vực giáp ranh với Vườn quốc gia Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ. Ngoài cây đa di sản có tuổi đời hơn 300 năm được Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam xét và chính thức công nhận là cây di sản Việt Nam vào ngày 20/5/2022 còn có 36 cá thể thuộc quần thể bằng lăng có tuổi đời từ 150 - 600 năm do công ty quản lý cũng được công nhận cây di sản Việt Nam. |
#Đức Thảo
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *