Những năm qua, cùng với việc xây dựng kết cấu hạ tầng, sản phẩm dịch vụ du lịch, huyện Krông Nô đã chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần phục vụ du lịch công viên địa chất.
Có nhiều điểm di sản địa chất hấp dẫn
Là vùng lõi của Công viên địa chất toàn cầu (CVĐCTC) UNESCO Đắk Nông, huyện Krông Nô sở hữu nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh và các điểm di sản địa chất hấp dẫn thuộc tuyến du lịch “Trường ca của nước và lửa”: Căn cứ địa Nâm Nung - Tuyến đi bộ rừng tự nhiên - Núi lửa Nâm Kar - Cánh đồng dung nham - Cảnh quan đồng lúa dưới chân núi lửa - Trung tâm thông tin Đray Sáp - Thác nước Đray Sáp - Hệ thống hang động núi lửa - Thác Gia Long…
Tượng đài chiến thắng tại Căn cứ địa Nâm Nung
Theo UBND huyện Krông Nô, địa phương đã xác định, việc phát triển du lịch bền vững là một quá trình lâu dài, hiệu quả mang lại phải tương thích với các lĩnh vực kinh tế - xã hội có liên quan. Vì vậy, hằng năm, huyện đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn cử cán bộ tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do tỉnh tổ chức.
Dựa trên tình hình thực tế của địa phương, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng du lịch cho các đối tượng khác nhau đang sinh sống trên địa bàn và đã thu hút hàng trăm lượt người tham gia học tập. Ngoài việc tiếp cận các kiến thức về du lịch, du lịch cộng đồng, các học viên còn được đi thực tế tại các điểm di sản nổi bật trên địa bàn huyện để nắm rõ thông tin cần thiết, có thể trả lời du khách khi đến tham quan, trải nghiệm.
Huyện vận động bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn tham gia xây dựng mô hình du lịch cộng đồng và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống. Hiện nay, huyện đang xây dựng bon Ja Ráh, xã Nâm Nung; thôn Nam Tân, xã Nam Đà thành bon, thôn kiểu mẫu và kêu gọi người dân cùng đồng hành xây dựng du lịch cộng đồng bền vững.
Núi lửa Nâm Kar
Mỗi người dân là một cộng tác viên du lịch
Qua một thời gian thực hiện cho thấy, việc chú trọng nguồn nhân lực không chỉ nâng cao kỹ năng, kiến thức cho các đối tượng tham dự mà còn trang bị cả sự tự tin, năng động lẫn niềm đam mê cho mỗi người dân trong quá trình thực hiện. Tại các thôn, bon được chọn, bà con đã biết cách gìn giữ môi trường sống, gìn giữ bản sắc văn hóa, ẩm thực để có thể đồng hành cùng chính quyền làm du lịch cộng đồng.
Người lao động, nhân viên tại các điểm lưu trú, nhà hàng, khách sạn trên địa bàn huyện cũng tự tin niềm nở hơn trong việc phục vụ du khách. Chị H’Thương ở bon Ja Ráh, xã Nam Nung cho biết: “Được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, gia đình tôi và một số bà con người M’nông ở bon duy trì luyện tập cồng chiêng, lễ hội và tìm hiểu, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trên cơ sở đó, chúng tôi xây dựng thực đơn chế biến các món ăn truyền thống của người M’nông để có thể giới thiệu cho du khách khi cần thiết. Bà con còn tham gia vào một số sự kiện văn hóa lễ hội mà tỉnh tổ chức để có thể giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc”.
Theo ông Nguyễn Xuân Danh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, mặc dù du lịch đã từng bước thể hiện vai trò trong nền kinh tế nhưng huyện vẫn chưa thể khai khác hết tiềm năng, thế mạnh về du lịch, nhất là du lịch Công viên địa chất. Các điểm du lịch trên địa bàn huyện chưa hấp dẫn du khách, các sản phẩm du lịch còn hạn chế, chưa kéo dài được thời gian lưu trú cũng như chi tiêu của du khách...
Huyện sẽ tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch. Hiện tại, huyện đã xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng nhận thức về du lịch, du lịch cộng đồng nhưng do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên các kế hoạch đều phải hoãn lại. Sau khi hết dịch, huyện sẽ tiếp tục triển khai bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, tổ chức, cá nhân tham gia làm du lịch…
Công tác tuyên truyền cần tiếp tục đẩy mạnh để mỗi người dân Krông Nô là một cộng tác viên du lịch, từng bước khẳng định Krông Nô là điểm đến an toàn, chất lượng và mến khách./.
Viết bình luận của bạn
Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố. Các trường bắt buộc được đánh dấu *