Núi lửa Thuận An hay còn gọi là Nâm Gle Rlúh thuộc thôn Thuận Hạnh, xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông. Đây là một trong 5 ngọn núi lửa trẻ nhất thuộc Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông trên nền đất đỏ phong hóa từ đá basalt đã hình thành từ hàng triệu năm trước.
Núi lửa hoạt động cách đây khoảng 781.000 – 126.000 năm và đến nay vẫn được bảo tồn khá nguyên vẹn, với đường kính khoảng 300m, cao khoảng 80m, độ dốc sườn khoảng 200 trên độ cao địa hình 867m so với mực nước biển. Trên thực tế, núi lửa hơi có dạng hình oval, với sườn Tây Nam dốc hơn, trong khi sườn Đông Bắc tạo thành hai bậc thoải dần.
Miệng núi lửa hình bầu dục, kéo dài theo phương Tây Bắc – Đông Nam, trùng với phương đứt gãy khu vực. Điều này chứng tỏ hoạt động của núi lửa Thuận An có thể bị khống chế bởi các hoạt động địa động lực khu vực, dung nham basalt được đưa từ dưới sâu lên nhờ các đứt gãy, khe nứt rồi phun trào lên mặt đất.
Núi lửa Thuận An là đối tượng có thể phục vụ cho việc nghiên cứu, tìm hiểu các đặc điểm về địa chất – địa mạo và động học núi lửa, không chỉ đối với các nhà nghiên cứu mà còn là đối tượng tìm hiểu, học tập và nghiên cứu của sinh viên chuyên ngành cũng như học sinh phổ thông.
Một núi lửa nguyên vẹn không chỉ là một cảnh quan thiên nhiên có giá trị, mà còn là một bảo tàng tự nhiên phản ánh các quá trình động học, các cơ chế hóa lý hình thành dung thể magma và thành phần vật chất của chúng từ sâu trong lòng đất được đưa lên bề mặt.
Núi lửa Thuận An là một trong những núi lửa có hình dáng đẹp, có sự kết hợp giữa phun trào khe nứt và phun nổ. Ngay sát chân núi lửa là hồ nước tự nhiên khá rộng và đẹp. Hiện nay, núi lửa Thuận An là một trong 44 điểm di sản của 3 tuyến du lịch của công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Loại hình
- Du lịch sinh thái
- Du lịch văn hóa
- lịch sử
- Du lịch tham quan
- khám phá
Viết đánh giá